Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Đề xuất tài xế phải khám sức khoẻ định kỳ

Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô quy định, từ tháng 7/2016, taxi phải có thiết bị in hóa đơn, lái xe phải có chứng nhận khám sức khỏe định kỳ.

Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh thành phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) cho dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được tổ chức sáng 20/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho rằng hiện cơ chế quản lý của Nhà nước đối với việc kinh doanh vận tải bằng ôtô chưa chặt chẽ, cần phải tập trung siết chặt.

"Chưa có nước nào có số vụ tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn nhiều như thế. Từ năm 2012 trở về trước, hầu như năm nào con số cũng là hơn 10.000 người mỗi năm, đột biến có năm lên đến 14.000 người. Trong đó nguyên nhân một phần là do công tác quản lý vận tải, điều kiện kinh doanh loại hình này còn lỏng lẻo", ông Thọ đánh giá.

ta-xxi-5280-1395303832.jpg

Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô quy định từ 7/2016 tất cả các xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tình tiền trên xe. Ảnh: Hữu Công

Dự thảo sửa đổi Nghị định 91 gồm 6 chương và 30 điều, trong đó có những điều khoản hoàn toàn mới nhằm siết chặt hơn oại hình kinh doanh đặc biệt này. Theo đó, ngoài các loại xe hiện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) theo quy định của Nghị định 91 (từ tháng 7/2013) là xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe du lịch, xe vận chuyển khách theo hợp đồng và xe vận tải hàng hóa bằng container; thì nay taxi và xe vận tải hàng hóa từ 10 tấn trở lên cũng phải lắp từ tháng 7/2016.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định xe vận chuyển khách theo hợp đồng và xe du lịch, trước khi thực hiện vận chuyển khách trên xe từ 10 chỗ ngồi trở lên, phải thông báo với Sở GTVT các thông tin về hành trình, thời gian thực hiện hợp đồng, số lượng hành khách để phục vụ công tác hậu kiểm.

Một điều khoản khá mới nữa là dự thảo quy định đến tháng 7/2016, các xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách. Quy định này được cho nhằm ngăn chặn tình trạng các tài xế taxi lừa đảo, hét giá đối với hành khách.

Đối với người lái xe, dự thảo quy định phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải, phải có chứng nhận khám sức khỏe định kỳ theo quy định của Bộ Y tế và phải được tập huấn nghiệp vụ lái xe kinh doanh vận tải theo quy định của Bộ GTVT.

Tại hội nghị, đa số lãnh đạo các Sở GTVT của các tỉnh phía Nam cũng như các Hiệp hội vận tải đều đồng tình và đánh giá dự thảo nghị định mới nhằm siết chặt việc kinh doanh vận tải bằng ôtô là cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều khoản được cho là "chưa phù hợp" cần được chỉnh sửa.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, quy định bắt buộc xe taxi phải có máy in hóa đơn để tính tiền cho hành khách sẽ gây tốn kém rất nhiều cho các doanh nghiệp vì loại xe này đã nằm trong diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý. "Theo tôi việc này chỉ nên khuyến khích các doanh nghiệp chứ không nên bắt buộc", ông Thanh nói.

thu-truong-6665-1395303832.jpg

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, nghị định mới sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh vận tải bằng ôtô, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Ảnh: Hữu Công

Vị chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nâng điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có từ 10 xe trở lên (dự thảo quy định là 5 xe) đối với các địa phương ở miền núi, vùng cao và 20 xe trở lên (dự thảo quy định 10 xe) đối với các địa phương còn lại. Đồng thời, ông Thanh cũng kiến nghị quy định thời gian tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô của các cơ quan cấp phép tối đa là 5 ngày (so với quy định của dự thảo là 15 ngày) để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vì hiện có tình trạng hồ sơ bị "ngâm" quá lâu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dần - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc bắt buộc các loại ôtô chở khách, xe container và xe tải chở hàng trên 10 tấn là rất cần thiết, song Bộ GTVT cần có quy định cụ thể về chất lượng của các thiết bị GSHT cũng như trách nhiệm của đơn vị cung cấp vì nếu xe có lắp nhưng thiết bị lại không hoạt động thì không hiệu quả. Ngoài ra, cần có quy định về các loại hàng hóa mà ôtô vận tải hành khách được chở vì hiện nay ngoài hành lý của hành khách, nhiều nhà xe còn nhận vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm không bảo đảm an toàn.

Về phía TP HCM, ông Dương Hồng Thanh - Phó giám đốc Sở GTVT cho rằng dự thảo quy định xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên, tuy nhiên hiện TP HCM có 324 xe buýt nhỏ 12 chỗ được Chính phủ cho phép hoạt động đến năm 2018 vì đặc thù riêng. Ngoài ra, TP HCM có đến 69% tuyến đường có mặt cắt ngang dưới 7m nên thành phố đang có chủ trương phát triển hệ thống xe buýt nhỏ từ 12 đến 16 cơ động để thu gom hành khách trong các tuyến đường nhỏ. Vì vậy, ông Thanh đề nghị dự thảo nên có quy định ưu tiên về loại hình xe buýt  đối với các địa phương có đặc thù.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ ghi nhận những đóng góp của các Sở GTVT và các hiệp hội vận tải và hứa sẽ ghi nhận, bổ sung để hoàn thiện dự thảo trước khi Bộ GTVT trình Thủ tướng phê duyệt. Ngày mai, Bộ GTVT sẽ tiếp tục lấy ý kiến các Sở GTVT tại các tỉnh phía Bắc từ Đà Nẵng trở ra.

Hữu Công


Theo nguồn : http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/de-xuat-tai-xe-phai-kham-suc-khoe-dinh-ky-2966563.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét